Cập nhật vào 09/02
Thói Gato (ghen ăn tức ở) của người trẻ Việt trên mạng xã hội đã trở nên phổ biến, thể hiện rõ nét qua hai trường hợp của Nguyễn Hà Đông, chủ nhân của game Flappy Bird hay việc thương hiệu cà phê Starbucks xuất hiện tại Hà Nội.
Khoảng nửa năm trước, dân chơi Phây (Facebook) ầm ĩ chuyện một cô gái được cho là thế hệ 9X hót hòn họt với status một “tuyên ngôn cướp giật chồng người”. Trích đoạn Status như sau: “Yêu đàn ông đã có vợ thì làm sao. Chúng mày có quyền gì nói tao. Yêu đàn ông có vợ có nhiều tiền, được chiều chuộng, được cung phụng tội gì không yêu… Bọn mày thấy tao sung sướng bọn mày GATO à”.
Nội dung và lời lẽ của tuyên bố trên lập tức được đáp trả bằng nội dung và lời lẽ tương thích, gọi là “ném đá tập thể”, theo đúng phong cách của cộng đồng mạng mà không nói ra thì ai cũng biết. Nhưng đáng chú ý ở đây là chuyện về một cái “chữ” không phải người nào cũng biết: GATO (đọc là ga-tô). Vậy GATO là gì?
Nếu bạn lên hỏi anh gúc – gờ, kết quả bạn nhận được không phải là một loại bánh ngọt như cách hiểu thông thường (bánh gato) mà là chữ viết tắt của cụm từ “ghen ăn tức ở”. Hóa ra đó là một kiểu diễn đạt, một kiểu chơi chữ dựa trên các con chữ cái. Kể từ đó, từ GATO phổ biến tới mức trong các sờ ta tus, còm ment, đâu đâu cũng thấy GATO, GATO đã trở thành một phần không thể thiếu trong bộ từ vựng của “cư dân mạng”.
Nói một cách đơn giản nhất, thói GATO, đố kỵ là khi ta cảm thấy ghen ghét và muốn làm hại những người sở hữu những thứ ta không có hoặc giỏi hơn ta. Thực tế thì căn bệnh GATO đã có từ rất lâu, và cũng không phải là tính cách “độc quyền” của dân tộc Việt Nam, bất kỳ đâu trên thế giới, ở lứa tuổi nào cũng có những người xấu tính, ganh ghét đố kỵ với người khác. Nhưng cho đến tận khi trường hợp của Nguyễn Hà Đông, chủ nhân của game Flappy Bird hay việc thương hiệu cà phê Starbucks xuất hiện ở Hà Nội chúng ta mới giật mình nhận ra căn bệnh này đã nặng tới mức nào.
Bài viết liên quan: Trên Facebook, đàn ông Việt đánh phấn, bôi son cũng nhiều.
Đôi dòng hiện tượng về Lệ Rơi: Ừ thì cười nhưng đừng ném đá.
Nguyễn Hà Đông.
Trường hợp của anh Nguyễn Hà Đông là một ví dụ không thể sống động hơn cho sức kìm hãm đáng sợ của sự đố kỵ. Vụt sáng trong một câu chuyện cổ tích thời hiện đại, một chàng trai vô danh từ một đất nước chấu Á xa xôi đã chinh phục hàng chục triệu người dùng Mỹ và trên thế giới. Một người tay trắng mà khiến tạp chí danh tiếng Forbes phải săn đón phỏng vấn, ở Việt Nam chỉ có tỷ phú Phạm Nhật Vượng mới có được vinh dự này. Xuất hiện dày đặc trên tất cả các báo lớn Washington Post, The Journal Wall Street, The Guardian, CNN… Thế mà chỉ vì thói GATO, chúng ta đã để một thương hiệu Flappy Bird cả thế giới biết đến, hàng chục triệu người dùng ở các nước Âu Mỹ, một nguồn doanh thu hàng triệu USD… bị vứt đi.
Khi người ta thấy anh Đông nổi tiếng và có khả năng sẽ kiếm được bộn tiền, nhiều người trên cộng đồng mạng bắt đầu cảm thấy ghen tức, đố kỵ nên đã “ném đá” anh ấy một cách không thương tiếc việc truy thu thuế đối với Game, mặc dù điều đó chẳng đem lại lợi ích cho bất kì ai. Đó phải chăng là tâm lý tiểu nông “trâu buộc ghét trâu ăn” vẫn tồn tại từ ngàn xưa? Phải chăng Con chim Flappy Bird là một sản phẩm công nghệ cao, không thể bay trên một đất nước nông nghiệp lạc hậu được.
Mới đây hơn, thương hiệu cafe nổi tiếng thế giới Starbucks xuất hiện ở Hà Nội, các bạn trẻ sắp hàng dài để check-in, điều đó có gì sai? Khá nhiều người đã bĩu môi rằng cái thứ cà phê “Bốn sữa một cà” kia chỉ dành cho những người không có tí hiểu biết gì về cà phê, còn những người biết thưởng thức Cà phê là phải pha Phin, phải ngồi lặng ngắm giọt cà phê rơi tí tách vào đáy cốc trong chiều đông Hà Nội cơ. Thực tế là ở khắp nơi trên thế giới, cà phê có rất nhiều loại và khẩu vị của con người là vô cùng. Nếu người Âu Mỹ thích Ice-blended thiên về hương thì người châu Á lại thích nhấm nháp những ly cà phê đậm đặc thiên về vị. Vậy tại sao chúng ta chê bai “khẩu vị” của người khác trong khi đó là quyền lựa chọn của mỗi cá nhân, và nó không ảnh hưởng đến túi tiền, nối nồi cơm của bất kỳ ai cả?
Và nếu bạn cho rằng giới trẻ đến với Stabucks không phải để thưởng thức cà phê mà chủ yếu để khoe khoang, để “chẹc –in” lên Facebook rằng mình sành điệu, mình sang chảnh, thì cũng có sao đâu. Tuổi trẻ ai mà không có một hay nhiều chút phù phiếm. Hà cớ gì chúng ta không để thương hiệu cà phê đó phát triển ở Việt Nam để đất nước mình có thêm ngoại tệ?
Cơn sốt Starbucks tại HN.
Chúng ta hãy tự hỏi mình xem, những người có mong muốn vươn lên hay tạo ra những sản phẩm được ưa chuộng như anh Nguyễn Hà Đông, như thương hiệu Starbucks có còn động lực và niềm tin để tiếp tục con đường của mình nữa hay không, khi mà những gì họ làm được bị dè bỉu, coi khinh, chê bai không thương tiếc hoặc thậm chí là đe doạ bởi không ít người. Mạng xã hội là nơi bạn có thể chia sẻ mọi điều, nhưng nó cũng trở nên rất nguy hiểm, rất độc ác nếu bạn dùng nó để thể hiện thói xấu GATO, ném đá tập thể của mình. Và hơn thế nữa, hẳn không ai trong chúng ta chưa từng đọc qua câu chuyện “bó đũa” đầy ý nghĩa trong sách giáo khoa thủa nào. Để bẻ gãy một bó đũa lớn là một nhiệm vụ hết sức khó khăn. Thế nhưng vẫn số đũa đó, chỉ cần chúng rời nhau ra thì bẻ gãy từng chiếc sẽ hết sức đơn giản. Tính đố kỵ có thể sẽ không bẻ gãy từng chiếc đũa nhưng chắc chắn nó sẽ đảm bảo rằng những chiếc đũa kia sẽ không bao giờ bó chặt lại với nhau được. Nói rộng ra thói GATO chính là một cản lực lớn cho sự sáng tạo, sự phát triển của bất kỳ quốc gia, dân tộc nào.